Các sự kiện lịch sử Hậu_kỳ_Trung_Cổ

Ranh giới của châu Âu Công giáo tiếp tục có những biến chuyển trong thế kỷ 14 và 15. Đại Công tước Moscow bắt đầu nổi dậy chống lại người Mông Cổ và các vương quốc Công giáo hoàn tất quá trình Reconquistabán đảo Iberia, thế nhưng bán đảo Balkan lại rơi vào tay Đế chế Ottoman. Trong cùng lúc đó, các quốc gia còn lại trên lục địa phải đối phó với nhiều cuộc xung đột cả trong và ngoài nước.[4]

Tình hình này dẫn đến sự phát triển vững chắc của chính quyền trung ương và sự nổi lên của thể chế nhà nước quốc gia.[5] Những đòi hỏi về tài chính dành cho chiến tranh đã dẫn tới việc tăng thuế, và kết quả của chuyện này là sự xuất hiện của các đoàn hội đại diện, tiêu biểu như Quốc hội Anh.[6] Quyền lực của Giáo hoàng suy yếu cùng với cuộc ly giáo phía Tây và phong trào Cải cách Kháng Cách cũng góp thêm phần vào sự phát triển của chính quyền thế tục.[7]

Scandinavia

Sau một nỗ lực hợp nhất Thụy ĐiểnNa Uy từ 1319-1365, liên minh Kalmar của các nước Bắc Âu được ra đời vào năm 1397.[8] Ba vương quốc Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển nằm dưới quyền cai trị của một quốc vương duy nhất. Người Thụy Điển miễn cưỡng tham gia vào một liên minh do người Đan Mạch chiếm ưu thế. Nhằm khuất phục người Thụy Điển, vua Christan II của Đan Mạch đã giết hại một loạt các quý tộc Thụy Điển trong vụ thảm sát Stockholm vào năm 1520. Hành động này chỉ làm gia tăng sự thù hận, Thụy Điển bỏ ra và liên minh kết thúc vào năm 1523.[9] Thế nhưng Na Uy tiếp tục ở lại và chấp nhận đóng vai chiếu dưới cho Đan Mạch cho tới tận năm 1814.

Iceland hưởng lợi tự sự tách biệt của mình (nằm lẻ loi ngoài biển), và là quốc gia duy nhất không phải hứng chịu dịch bệnh Cái chết Đen.[10] Trong cùng lúc đó thì Na Uy dần mất đi các thuộc địa ở Greenland, có lẽ là vì thời tiết cực kỳ khắc nghiệt trong thế kỷ 15.[11] Đó có thể là do hiệu ứng của Thời kỳ băng hà nhỏ.[12]

Anh

Tranh vẽ vua Henry V trong trận Agincourt bởi Sir John Gilbert

Cái chết của Alexander III của Scotland vào năm 1286 đã đưa quốc gia vào một cuộc tranh chấp kế vị.[13] Vua Anh lúc đó là Edward I khẳng định chủ quyền đối với Scotland, và việc này dẫn đến một loạt những cuộc chiến tranh được gọi chung là Chiến tranh giành độc lập Scotland.[14] Người Anh cuối cùng bị đánh bại và Scotland xây dựng một nhà nước vững mạnh dưới thời nhà Stuart.

Từ năm 1337, sự chú ý của nước Anh xoay sang Pháp trong cuộc Chiến tranh Trăm Năm.[15] Chiến tranh bắt đầu khi vua Edward III của Anh tuyên bố rằng mình mới là người thừa kế hợp pháp cho ngai vàng nước Pháp. Người Anh giành nhiều thắng lợi như trận Crecytrận Poitiers để tiến sâu vào đất Pháp. Tới thời Henry V thì chiến thắng của ông ở trận Agincourt (1415) đã đẩy hai quốc gia tới chỗ gần như thống nhất. Nhưng rồi sau đó người Anh bắt đầu thua trận và đánh mất gần hết lãnh thổ trên đất Pháp. Thất bại ở Pháp đã dẫn đến những tranh chấp ở quê nhà; cuộc Chiến tranh Hoa Hồng (1455-1485) nổ ra gần như ngay sau khi Chiến tranh Trăm Năm kết thúc, với sự tham gia của hai dòng họ đối địch là nhà York và nhà Lancaster.[16]

Cuộc chiến kết thúc với sự lên ngôi của Henry VII thuộc vương triều Tudor. Henry VII tiếp tục công việc của các vị vua nhà York trước đó là xây dựng một chế độ tập quyền trung ương.[17] Trong cùng lúc đó thì Ireland cũng giành quyền độc lập nhưng vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Anh.[18]

Tranh Jeanne d'Arc của Jean Auguste Dominique Ingres

Pháp

Xem thêm: Jeanne d'Arc

Nhà Valois lên thay nhà Capet vào năm 1328 và phải ngay lập tức đối đầu với những kẻ thù nguy hiểm là người Anh (Chiến tranh Trăm Năm), và sau đó là Công tước Burgundy (Nội chiến Pháp giữa Armagnac và Burgundy).[19] Thời kỳ thê thảm nhất của người Pháp là từ năm 1415-1435 khi họ bị mất nửa đất nước, bao gồm cả Paris, về tay người Anh và Burgundy. Chỉ khi nữ anh hùng Jeanne d'Arc xuất hiện thì người Pháp mới chiếm lại ưu thế. Mặc dù Jeanne d'Arc bị người Anh hỏa thiêu vào năm 1430 nhưng người Pháp vẫn đi đến thắng lợi cuối cùng trong Chiến tranh Trăm Năm vào năm 1453. Lãnh địa duy nhất mà người Anh còn giữ được trên đất Pháp là Calais, và mãi tới năm 1557 thì Pháp mới chinh phục lại được nơi đây.

Chiến tranh Trăm Năm đã để lại cho nước Pháp những thiệt hại đáng kể, nhưng nó đã giúp xây dựng tinh thần dân tộc của người Pháp và loại trừ tầm ảnh hưởng của người Anh trên đất Pháp. Louis XI lên ngôi từ năm 1461 và là một vị vua thành công. Dưới thời của ông, nước Pháp đã gần như thống nhất, và từ đó phát triển thành một quốc gia tập quyền mạnh mẽ ở châu Âu.[20] Để làm được chuyện đó, Louis XI đã mạnh tay trừng trị các lãnh chúa quý tộc chống lại mình. Cùng lúc đó, Công tước Burgundy là Charles the Bold (đối thủ chính trị lớn nhất của Louis XI) phải đối mặt với những sự kháng cự trong quá trình củng cố lãnh địa của mình.[21] Khi Charles chết trong trận Nancy (1477), Pháp thu lại vùng đất của Công tước Burgundy.[22] Thế nhưng hạt Burgundy và vùng Burgundian Netherlands lại rơi vào tay nhà Habsburg, đưa đến nhiều xung đột trong các thế kỷ sau đó.[22]

Trung Âu

Bohemia vươn lên trong thế kỷ 14 và sắc lệnh Golden Bull vào năm 1356 đã đặt vua Bohemia lên hàng đầu trong số những người được bầu cử Hoàng đế của Đế chế La Mã thần thánh, nhưng rồi cuộc nổi loạn Hussite đã khiến Bohemia lâm vào khủng hoảng.[23] Ngôi hoàng đế của Đế chế La Mã thần thánh được chuyển tới dòng Habsburg vào năm 1438 và được giữ nguyên như vậy tới khi Đế chế tan rã vào năm 1806.[24] Mặc dù có lãnh thổ rộng lớn nhưng Đế chế bị chia năm xẻ bảy, với quyền hành thực sự nằm trong tay của những công quốc cá nhân.[25] Những tổ chức tài chính như Liên minh Hansagia đình Fugger cũng nắm giữ những quyền lực quan trọng, cả về mặt kinh tế và chính trị.[26] Không có một vị Hoàng đế nào đủ khả năng để thống nhất Đế chế và xây dựng chế độ tập quyền trung ương như các nước lân bang Anh, Pháp.

Vương quốc Hungary trải qua thời hoàng kim trong thế kỷ 14 với các triều đại của Charles I (1308-1342) và Louis Đại đế (1342-1382).[27] Quốc gia trở nên giàu mạnh và trở thành nguồn cung cấp vàng và bạc chính của châu Âu.[28] Với đội quân to lớn của mình, Louis Đại đế giành thắng lợi trong hàng loạt những chiến dịch quân sự từ Litva tới Nam Italy, từ Ba Lan đến Bắc Hy Lạp. Trong thời gian này thì Ba Lan hướng sự chú ý về phía đông với việc liên minh cùng Litva, tạo nên một khối liên minh có diện tích to lớn.[29] Liên minh này, cùng với sự cải đạo của Litva, đã chấm dứt hoàn toàn thời đại của các ngoại giáo ở châu Âu.[30]

Louis không để lại người con trai nào sau khi ông chết và ngôi vua Hungary được trao tới Sigismund xứ Luxemburg. Nhiều quý tộc Hungary bất mãn với việc này và gây nội chiến, thế nhưng Sigismund cuối cùng đã giành chiến thắng. Sigismund là một vị vua quyền lực, ông đã tạo ra nhiều cải cách trong hệ thống luật pháp Hungary và cho tái xây dựng những cung điện ở BudaVisegrád, được xem là một trong những công trình tráng lệ nhất ở châu Âu. Dưới thời của ông, người Hungary phải chiến đấu với người Hussite và một Đế chế Ottoman đang trỗi dậy. Một lần nữa Hungary lại đóng vai trò làm tấm lá chắn ở phía đông nam cho châu Âu Công giáo, như đã từng chống chọi lại người Mông Cổ trong thế kỷ trước. Liên quân Hungary-Pháp thất bại trong trận Nicopolis (1396),[31] nhưng trong những năm sau đó thì Sigismund đã kiềm chế được người Thổ.

Quốc vương Matthias Corvinus của Hungary (ở ngôi 1458-1490) nắm giữ trong tay một đội quân hùng hậu nhất vào thời ấy, và ông đã dùng nó để chinh phục Bohemia, Áo và chiến đấu với Đế chế Ottoman.[32] Thời thịnh trị của người Hungary đi tới chỗ kết thúc vào đầu thế kỷ 16 khi vua Louis II của Hungary tử trận trong trận Mohács (1526). Hungary sau đó rơi vào một chuỗi những khủng hoảng và bị xâm chiếm.

Đông Âu

Bài chi tiết: Lịch sử Nga

Vào thế kỷ 13 thì Kievan Rus' đã sụp đổ vì cuộc xâm lăng của người Mông Cổ.[33] Trong khoảng trống mà quốc gia này để lại đã chứng kiến sự trỗi dậy của Đại Công quốc Moscow, thế lực đã giành chiến thắng trước Kim Trướng hãn quốc trong trận Kulikovo (1380).[34] Chiến thắng này chưa chấm dứt được sự thống trị của người Tartar trong vùng, và người hưởng lợi nhiều nhất là Litva khi mở rộng được tầm ảnh hưởng về phía đông.[35]

Tới thời của Ivan Đại đế (1462-1505), Moscow mới thực sự trở thành một thế lực lớn trong vùng, và sự sáp nhập Novgorod vào năm 1478 đã đặt nền móng cho một nhà nước Nga.[36] Sau khi Constantinopolis sụp đổ vào năm 1453, người Nga xem mình như là người thừa kế của Đế chế ByzantineChính thống giáo Đông phương. Họ gọi Moskva là "Thành Rome đời thứ ba"[37] và những vị vua Nga xưng danh hiệu là Sa hoàng.[38][39]

Đế chế Byzantine và vùng Balkan

Sự mở rộng của Đế chế Ottoman trong 1481-1683.

Đế chế Byzantine từng một thời gian dài thống trị vùng đông Địa Trung Hải cả về chính trị lẫn văn hóa. Nhưng tới thế kỷ 14 này thì nó đã suy yếu trầm trọng trước sự bành trướng của Đế chế Ottoman và chỉ còn giữ được Constantinopolis cùng một vài vùng đất ở Hy Lạp.[40] Và tới năm 1453 thì thành Constantinopolis vĩ đại cuối cùng cũng bị Mehmed II đánh chiếm. Đó là sự kết thúc của một Đế chế đã tồn tại gần 1000 năm, và nếu ta xem Đế chế Byzantine (còn gọi là Đế chế Đông La Mã) là sự tiếp nối của Đế chế La Mã thì sự trường tồn của nó còn lâu hơn như vậy nhiều.[41]

Đế chế Bulgaria cũng suy sụp trong thế kỷ 14. Những người Serbia chiến thắng người Bulgaria trong trận Velbazhd (1330), nhưng sự cai trị của họ cũng rất ngắn ngủi.[42] Liên quân vùng Balkan do những người Serbia lãnh đạo bị Ottoman đánh tan trong trận Kosovo (1389), với cái chết của rất nhiều quý tộc Serbia. Serbia đầu hàng người Thổ vào năm 1459, và tới lượt Bosnia cùng Albania cũng bị khuất phục vào năm 1463 và 1479. Belgrade (thuộc Hungary) là thành phố cuối cùng ở Balkan rơi vào tay Đế chế Ottoman vào năm 1521. Khi kết thúc thời Trung Cổ. toàn bộ bán đảo Balkan đã nằm dưới sự cai trị hoặc là chư hầu của Đế chế Ottoman.[43]

Sau khi chinh phục tất cả những đối thủ trong khu vực, Đế chế Ottoman được nhìn nhận như một thế lực to lớn nằm chắn ngay vị trí giao nhau giữa ba lục địa Âu, Á, Phi. Quân đội của người Thổ có kỷ luật và trình độ cao, trong khi hạm đội mạnh mẽ của họ có mặt từ Biển Đen tới Địa Trung Hải, từ Biển Aegean tới Biển Đỏ. Sự hùng cứ của Đế chế Ottoman thường được xem là nguyên nhân đã cản trở sự thông thương đường bộ giữa châu Âu và châu Á. Điều đó có thể đã dẫn đến việc các nước châu Âu phải tiến hành những cuộc thám hiểm bằng đường biển để tới phương Đông.

Nam Âu

Vua Ferdinand và Nữ hoàng Isabella trên ngai vàng

Avignon là nơi cư ngụ của các Giáo hoàng từ 1309 đến 1376.[44] Sau khi Giáo hoàng trở về Roma vào năm 1378, Nước Giáo hoàng phát triển thành một chính quyền thế tục, lên tới đỉnh điểm với sự tha hóa đạo đức trong thời của Alexander VI.[45] Florence nổi lên trong số các thành phố Italy nhờ vào việc giao thương buôn bán, và gia đình Medici đã trở thành những nhà bảo trợ quan trọng cho phong trào Phục hưng.[46] Một số thành phố khác ở Bắc Italy cũng mở rộng lãnh thổ và củng cố quyền lực, như MilanVenice.[47] Ở Nam Italy, chiến tranh Buổi cầu kinh chiều Sicilia đã chia cắt vùng này thành vương quốc Aragon xứ Sicilia và vương quốc Anjou xứ Naples.[48] Tới năm 1442 thì hai vương quốc được sáp nhập dưới sự thống trị của phía Aragon.[49]

Trên bán đảo Iberia, cuộc hôn nhân của Isabella I xứ CastileFerdinand II xứ Aragon vào năm 1469 đã đưa đến sự hợp nhất của hai quốc gia Công giáo có thế lực nhất lúc bấy giờ là CastileAragon, mở đường cho sự thành lập vương quốc Tây Ban Nha thống nhất.[50] Vương quốc Hồi giáo Granada bị chinh phục vào năm 1492, qua đó quá trình Reconquista cũng được hoàn thành.[51] Dưới thời Isabella đã đặt nền móng cho một cường quốc trên biển về sau này. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai quốc gia đi đầu trong những cuộc thám hiểm hàng hải. Hoàng tử Henry Nhà hàng hải của Bồ Đào Nha là người đã thám hiểm dọc bờ biển châu Phi trong thế kỷ 14, và Vasco da Gama đã đi vòng qua châu Phi để đến Ấn Độ vào năm 1498.[52] Bên phía Tây Ban Nha, Isabella chi tiền cho Columbus tìm đường tới Ấn Độ bằng cách đi về phía tây, và kết quả của chuyện này lại là việc vô tình tìm ra châu Mỹ (1492).[53]